Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024).

Thứ hai - 19/08/2024 14:52 237 0
          Đó là một bước tiến dài của lịch sử Việt Nam, góp phần đáng kể vào xoay chuyển xu hướng thời đại ở nửa cuối thế kỷ XX: Thời đại thức tỉnh lương tri nhân loại, thời đại khẳng định giá trị sống bao trùm “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”.

          Để phấn đấu đạt được và chứng minh cho chân lý Dân tộc Việt Nam có quyền hưởng độc lập, tự do, đồng bào ta đã phải trải qua hơn 80 năm quằn quại trong xiềng xích thực dân, phát xít, đổ biết bao nhiêu xương máu trong những cuộc khởi nghĩa. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, phong trào Cần Vương và nhiều cuộc khởi nghĩa khác đã cho thấy ngọn lửa yêu nước của dân tộc Việt Nam không bao giờ nguội tắt, song chỉ vì thiếu một hệ tư tưởng cứu nước đúng đắn, phù hợp xu thế thời đại, nên chưa có lối ra cho lịch sử cứu nước. Con đường của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh dù rất mới, nhưng cũng không mang lại tương lai cho Xứ An Nam đau thương. Phải chờ đến khi Nguyễn Ái Quốc tiếp cận được và nhận diện đúng ánh sáng thời đại qua Luận cương của Lênin-đó mới là ánh sáng cuối đường hầm cho lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XX.

          Sau khi thấy được con đường giải phóng cho đồng bào mình, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục trải nghiệm trong phong trào cộng sản quốc tế, trước hết là tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp, đứng về Quốc tế cộng sản, chuẩn bị các điều kiện quan trọng để tiến tới sáng lập chính đảng vô sản ở Việt Nam. Việc chuẩn bị trực tiếp và có ý nghĩa sâu sắc nhất của Nguyễn Ái Quốc là vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng một hệ tư tưởng lý luận cách mạng phù hợp với điều kiện lịch sử của Việt Nam. Tác phẩm Đường Kách mệnh là luồng ánh sáng mới, định vị đúng hướng tư tưởng cứu nước của Việt Nam trong thời đại đấu tranh giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng dân tộc: Thời đại giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

          Tháng 2 năm 1930, nơi xứ người, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc (với tư cách đại diện Quốc tế cộng sản ở Phương Đông) đã cùng những người ưu tú nhất, đại diện cho các tổ chức cộng sản trong phong trào cách mạng Việt Nam đã họp với nhau để bàn và đi đến thống nhất một việc vô cùng hệ trọng: Thống nhất lực lượng các tổ chức cộng sản thành một tổ chức đảng duy nhất, lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam. Các văn kiện đầu tiên của Đảng được đích thân Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, trong đó thể hiện rất rõ những giá trị tư tưởng cốt lõi mà mãi tới nay vẫn luôn đúng, đó là: Đảng ra đời và tồn tại vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng; Đảng tập hợp, giác ngộ quần chúng yêu nước đi theo cách mạng; trong nước thì đoàn kết các giai tầng, ngoài nước thì liên minh với các lực lượng tiến bộ; sau khi giành được độc lập dân tộc thì sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, ngay khi mới ra đời, Đảng ta đã hướng đến sự thống nhất, đoàn kết, có đường lối chiến lược đi trước thời đại, tránh được khuynh hướng chia rẽ, phân liệt mà phong trào cộng sản quốc tế đang vướng phải; tránh được khuynh hướng phi mác xít.  

          Trải qua 15 năm tôi rèn trong phong trào đấu tranh cách mạng sinh tử với thực dân, phát xít, Đảng ta mau chóng trưởng thành, khẳng định là lực lượng tiên phong, nắm vai trò dẫn dắt lịch sử dân tộc bằng đường lối chiến lược đúng đắn, có khả năng tập hợp, vận động, giác ngộ, thu hút quần chúng đi theo cách mạng. Chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành dòng chủ lưu trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam, bất chấp có nhiều luồng tư tưởng phi mác xít pha tạp, bất chấp sự tra tấn, khủng bố dã man của kẻ thù, nhiều tấm gương chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù thành trường học cộng sản, nền tảng tư tưởng của Đảng được tô son bằng máu của bao chiến sĩ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ vững chắc chiếc la bàn cho phong trào cách mạng khỏi bị chệch hướng.
 

         Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu) 

          Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 diễn ra trong vòng 2 tuần lễ đã giành được thắng lợi toàn quốc, có những nơi chỉ trong một ngày, có những nơi lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương chưa về tới nơi, song cấp ủy địa phương đã chủ động lãnh đạo nhân dân vùng lên cướp chính quyền. Có những ý kiến cho rằng, cách mạng tháng 8 năm 1945 của Việt Nam là sự ăn may, không có vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh (!), đó là một sự bóp méo lịch sử. Bởi, nếu như không có phong trào cách mạng năm 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh, đến phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, Phong trào kháng Nhật cứu quốc thì quần chúng cách mạng đâu có được sự giác ngộ, sẵn sàng vùng lên cứu nước như vậy. Quần chúng chỉ có thể đứng lên theo lực lượng lãnh đạo mà họ tin tưởng nhất, kỳ vọng nhất, chính là vì trong mọi đường lối chiến lược, sách lược của Đảng cộng sản Việt Nam đều nhất quán một mục tiêu tối thượng là tranh đấu giành lại độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Không sức mạnh của kẻ thù hung bạo nào có thể khuất phục được tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân, khi mà họ được nung nấu lòng yêu nước và thắp sáng niềm tin tới tương lai tươi sáng.           

          Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc, thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

          Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024), chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại; đề cao lòng tự hào dân tộc, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tác giả: Văn hóa Thông tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây